Tên thật: Trần Thị Tiếc
Ngày sinh: 1/3/1961
Tại Hội An
Thể loại nhạc: Nhạc tiền chiến
Thành công với nhạc: Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh
Ca khúc thành công: Buồn tàn thu, Trương Chi, Thiên Thai
Ban nhạc: ATB BAND
Trang web: Phòng trà ATB, Ánh Tuyết
Ánh Tuyết tên thật là Trần Thị Tiếc, nhưng lúc làm giấy tờ bị ghi sai thành Trần Thị Tiết. Sinh ra trong gia đình hoạt động nghệ thuật (bố dạy nhạc, các anh là nhạc công), Ánh Tuyết có môi trường tiếp xúc nhạc từ nhỏ. “Bé Mèo” bắt đầu hát từ năm lên 3 tuổi, với Tình hoài hương, Tình cố đô.
Ánh Tuyết bắt đầu ca hát chuyên nghiệp từ năm 1969.
1978, Tuyết đầu quân về đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng.
1980, học Nhạc viện Huế. Sau khi ra trường, Tuyết về đoàn Hải Đăng của Khánh Hoà.
Tháng 7/1993, chị được mời hát trong chương trình riêng của Văn Cao, có sự dự thính của ông. Văn Cao đã vui đến trào nước mắt vì có người hát nhạc của mình hay đến vậy. Báo chí sau đó đồng loạt viết về Ánh Tuyết như một hiện tượng trong làng âm nhạc Việt Nam, đặc biệt với những ca khúc của Văn Cao.
Ánh Tuyết là cô con gái duy nhất trong một gia đình có năm người con mà Trần Dũng là anh cả. Năm anh em đều thừa hưởng niềm đam mê âm nhạc của ba mẹ. Ngoài công việc của một huấn luyện viên môn bắn súng, ba của Ánh Tuyết chơi guitar và chơi được cả cải lương trên mandolin.
Năm 17 tuổi, Ánh Tuyết cùng lúc trúng tuyển vào Đoàn Dân ca kịch và Đoàn Ca múa nhạc của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, ít lâu sau trúng tiếp hệ trung cấp khoa thanh nhạc Đại học Nghệ thuật Huế.
Khi đó Trần Dũng đang chơi trống ở Đoàn Dân ca kịch. Ánh Tuyết được hướng sang Đoàn Ca múa nhạc, nhưng chỉ sau chưa đầy năm về đoàn, tốp ca nữ trong đó có Ánh Tuyết bị giải thể.
Đã trễ thời điểm nhập học trung cấp thanh nhạc gần hai tháng, nhưng nhớ lời thầy cô khích lệ Ánh Tuyết vẫn gửi hồ sơ nhờ anh đi nộp hộ. Trường “nhớ” giọng hát Ánh Tuyết nên nhận ngay. Thời kỳ đó việc đi lại từ Đà Nẵng ra Huế còn khó khăn. Ánh Tuyết nói: “Nếu anh Dũng không cầm giấy tờ ra Huế nộp cho tôi đi học thì tôi về bán cơm rồi!”. Hồi nhỏ ở Hội An, cô bé Tiết đã có thời gian nghỉ học gánh cơm ra chợ cho mẹ bán…
“Mê nghệ thuật nhưng không có điều kiện theo nghệ thuật hoàn toàn, cả nhà phải lo kiếm sống, làm đủ thứ nghề. Cuối cùng, nghệ thuật dù là phụ mà lại không bỏ được. Nó ở trong máu của mình!”. Đến hôm nay, Ánh Tuyết không chỉ làm chủ phòng trà ATB mà còn vững vàng trên ghế giám đốc Công ty xây dựng ATC.
Năm 1995-1996, được coi là hai năm nổi bật nhất của ca sĩ Ánh Tuyết với nhạc Văn Cao. Nói đến nhạc Văn Cao thì phải nói đến giọng ca của Ánh Tuyết. Cô đã tìm được cho giọng hát của mình chất du dương lãng mạn của người nhạc sỹ. Trong cái hồn đa cảm của thi sĩ xưa, có cái chất cháy bỏng đầy khát khao của cô ca sĩ thời nay. Ánh Tuyết đã làm đẹp cả kỹ thuật vốn rất phức điệu trong nhạc Văn Cao, và làm đẹp của chất tình tứ, ý nhị trong mỗi ca từ của ông.
Gần đây, Ánh Tuyết tung ra một loạt ba album: Bến cũ, Cung đàn xưa và Hát cho yêu thương. Vẫn nhạc mục nghiêng về ca khúc tiền chiến cố hữu vẫn cái chất gợi nhớ Thái Thanh, Mai Hương và Hà Thanh ấy; vẫn cái không khí của các thính phòng sang trọng ấy mà nghe cứ thấy nao lòng. Vì Ánh Tuyết là con người của lòng chung thủy, không xa rời những gì mình đã yêu, đã nhọc công gìn giữ.
CD
- Bến cũ
- Ca khúc Văn Cao
- Hát cho yêu thương – Phan Bá Chức
- Cung đàn xưa
- Thằng cuội – Tuyệt phẩm Lê Thương
- Thu quyến rũ – Nhạc Đoàn Chuẩn – Từ Linh
- Hội trùng dương (thu âm trực tiếp ngày 2/11/2001)
- 2005: Đi tìm
- 2005: Suối mơ đến Thiên Thai (thu âm trực tiếp)
- Vol 9: Còn gì cho em – Phạm Thế Mỹ
Tình phụ – Khê Kinh Kha
- 2010: Bông hồng cái áo, với các ca khúc Phạm Thế Mỹ
- 2011 : Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn CD1 & CD2