//CA SỸ TÂN NHÀN

Đó là “chuyện nhà” của gia đình ca sĩ Tân Nhàn – giải nhất Phong cách Dân gian tại giải Sao Mai 2005 và chồng là ca sĩ Tuấn Anh – giải nhất cuộc thi hát thính phòng nhạc kịch toàn quốc 2008. Hai “quán quân” cùng sống dưới một mái nhà, với tổ ấm của mình. Cứ ngỡ, thế là quá đủ. Nhưng bất ngờ khi họ thông báo: vào 20h ngày 12-5 tới đây, Tân Nhàn và Tuấn Anh cùng đứng chung một sân khấu trong liveshow Câu chuyện âm nhạc số 3 với khách mới là ca sĩ Tùng Dương. Chúng tôi đã trò chuyện với ca sĩ Tân Nhàn về cái sự vợ chồng cùng đứng chung một sân khấu này.

Ca sĩ Tân Nhàn

Sau album “Lạy Phật con về” được biết chị đang ấp ủ một album hát chèo và xẩm trên nền nhạc jazz. Thế nhưng khi dự định đó chưa thành hình thì việc Tân Nhàn cùng ông xã Tuấn Anh đứng chung sân khấu kể Câu chuyện âm nhạc khiến nhiều người bất ngờ. Hỏi thật chị, nếu ca sĩ Tuấn Anh không phải là… chồng thì liệu có sự kết hợp này không?

Năm 2013 được coi là một dấu mốc quan trọng đối với Tuấn Anh và Tân Nhàn, khi cả hai vừa cùng tốt nghiệp thạc sĩ thanh nhạc loại xuất sắc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tạm kết thúc 10 năm theo học thanh nhạc. Tân Nhàn cũng vừa chính thức trở thành giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tuấn Anh vẫn tiếp tục công việc giảng dạy tại Đại học Sư phạm Nhạc họa Trung ương. Cặp đôi vàng đất mỏ đã quyết định cùng tổ chức liveshow để kỷ niệm dấu mốc đáng nhớ này.

– Nếu mọi người để ý, thì việc Tân Nhàn kết hợp với Tuấn Anh đã không còn là “sự lạ” nữa. Bởi cách đây mấy năm, album “Tình ta biển bạc đồng xanh” đã đánh dấu sự “đứng chung” này. Tuy vậy, đây là lần đầu Tân Nhàn và Tuấn Anh cùng đứng chung trong một liveshow Câu chuyện âm nhạc. Trong âm nhạc, Tân Nhàn khá rạch ròi, không đưa tình cảm riêng tư lên sân khấu. Nhiều người thắc mắc tại sao cứ phải làm album chung rồi làm liveshow chung? Không phải vì là vợ chồng nên làm chung mà Tân Nhàn cảm thấy âm nhạc dân gian và âm nhạc thính phòng có thể bổ sung cho nhau trong một chương trình nghệ thuật. Nếu với tư cách là một khán giả đánh giá ca sĩ thì em thấy Tuấn Anh là một người rất xuất sắc trong phong cách âm nhạc thính phòng. Tân Nhàn phải chọn người xuất sắc nhất để thể hiện cùng với mình chứ (cười). Quan điểm của Nhàn rất rạch ròi trong chuyện tình cảm và chuyên môn. Kể cả là vợ hoặc chồng nhưng có chuyên môn yếu hơn thì mình cũng không thể nào nâng nhau được. Mục đích chính của mình là muốn đưa tới khán giả một chương trình có chất lượng nghệ thuật tốt nhất.

Vậy ý tưởng vợ chồng cùng… liveshow đến với gia đình chị như thế nào?

– Thực ra liveshow này đã nằm trong chuỗi những hoạt động nghệ thuật mà hai vợ chồng đã hoạch định từ nhiều năm nay. Ấp ủ thì đã 7 năm rồi, kể từ kết thúc giải Sao mai 2005, nhưng đến bây giờ khi Tuấn Anh và Tân Nhàn cảm thấy đã đạt đến độ chín về kỹ thuật, cảm xúc cũng như sự trải nghiệm trong đời sống thì mới quyết định thực hiện liveshow.

Nhưng rõ ràng hát cùng với chồng mình cũng dễ dàng về mặt cảm xúc hơn hát với người khác?

– Khi song ca với mỗi người có cá tính âm nhạc khác nhau thì cảm xúc của mình cũng khác nhau. Tuấn Anh là một người theo đuổi phong cách thính phòng và chất thép trong giọng hát, nên Tân Nhàn phải cố gắng để tiết chế giọng hát của mình một cách thích hợp và cũng hát có hơi hướng thính phòng. Tuấn Anh thì giảm bớt chất thính phòng để có thể hòa quyện hai giọng hát. Chúng tôi may mắn là vợ chồng nên có chung một chặng đường dài, rất hiểu về âm nhạc và chuyên môn của nhau và có sự giao thoa trong cuộc sống lẫn trong âm nhạc. Chính vì vậy mà hiểu nhau hơn và dễ dàng làm cho một ca khúc cũ nhưng với sự kết hợp của hai phong cách âm nhạc vẫn có thể mang đến cho khán giả tác phẩm dễ nghe, mới mẻ và chấp nhận được.

Tổ ấm của gia đình ca sĩ Tân Nhàn

Được biết cả Tân Nhàn và Tuấn Anh đều đứng trên bục giảng. Vậy chị có bị phân tâm khi vừa giảng dạy, vừa biểu diễn?

– Tân Nhàn nghĩ rằng việc đứng trên bục giảng cũng chính là cách để mình học, để duy trì được kỹ thuật mình học ở trường. Được đứng trên sân khấu để gửi tới khán giả những ca khúc mà 20 năm sau họ vẫn còn nhớ đến giọng hát của mình đó là điều rất đáng quý, thì với Nhàn việc đáng quý không kém là đào tạo được những tài năng trẻ cho đất nước. Chính vì vậy dù rất vất vả, mệt mỏi, nhiều lúc phải đấu tranh giữa việc nhận show và việc lên lớp nhưng cả hai vợ chồng vẫn phải cố gắng để cho hài hòa cả hai.

Đôi khi kỹ thuật thanh nhạc phương Tây lại là một rào cản đối với ca sĩ hát dân gian. Chuyện này có xảy ra với Tân Nhàn?

– Đến tận bây giờ khi đã là một giảng viên Nhàn mới nghiệm ra một điều rằng, kỹ thuật không phải là cái gì khiến cho người ta cảm thấy sự xa lạ mà kỹ thuật chính là thứ mà mình phải biến những cái khó thành cái dễ. Kỹ thuật cao nhất là biến những thứ khó nhất thành giản dị, dễ gần nhất mà một người nghệ sĩ cần đạt tới.
Xin cảm ơn Tân Nhàn về cuộc trò chuyện!

Nhà hát Lớn Hà Nội Nhà hát Lớn Hà Nội

Số 1 phố Tràng Tiền, Ba Đình, Hà Nội, Có khoảng 598 chỗ ngồi.

3502 4120 7622 (c) by
Bình luận, đánh giá, phản hồi ý kiến của bạn.

 

Start Scroller!