//NSND TRUNG ĐỨC
  • Tên thật: Trung Đức
  • Ngày sinh: 1960
  • Quốc Gia: Việt Nam
  • Công ty đại diện: Ca sĩ Tự Do

NSND Trung Đức quê ở làng La Cả (Hà Đông). Bố mẹ anh là những người nông dân quanh năm lam lũ với ruộng đồng. Tốt nghiệp cấp III, NSND Trung Đức thi  đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Khoa Ngữ Văn) nay là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Học chưa được bao lâu, NSND Trung Đức theo tiếng gọi của miền Nam lên đường chống Mỹ cứu nước. 

 Trước khi vào chiến trường, Trung Đức lên Công ty kiến trúc Bắc Thái (cũ) – thuộc Bộ Xây dựng, để học lái xe. Ba tháng sau, anh cùng đồng đội lái xe chở gạo, muối, mỳ chính và một số nhu yếu phẩm cho chiến trường theo đường Trường Sơn vào Quảng Trị. Đang là một chàng sinh viên chưa nếm mùi gian khổ, ban đầu khi đi đường rừng 559, bom đạn dội suốt ngày, chàng trai Trung Đức thuở ấy cảm thấy hoang mang, lo sợ, nhưng khi đã dần quen với tiếng bom, tiếng máy bay địch gầm rú, anh đã biết cách luồn rừng, ngụy trang để tránh những trận càn dã man của địch. Kể về câu chuyện Trường Sơn, anh nói trong chiến tranh, bom đạn tránh mình, chứ mình không thể nào tránh được bom đạn. Có lẽ do số anh may mắn mới nguyên vẹn trở về chứ trong chiến tranh, sự sống và cái chết liền kề trong gang tấc.

NSND Trung Đức kể câu chuyện về  đoàn xe của anh chạy vào chiến trường năm xưa. Đoàn có 8 xe chuyển bánh từ Hà Nội vào đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì bỗng   dưng xe của anh bị chết máy, phải dừng lại để sửa. Khi anh đang cắm cúi vào đầu máy thì bỗng dưng nghe một loạt tiếng nổ của rocket ầm ầm phía trước, 7 chiếc xe của đồng đội anh vừa đi xa chỉ cách anh có vài trăm mét đã bị địch phát hiện và dội bom tơi tả. Cả 7 người trong số họ đều hy sinh. NSND Trung Đức tin rằng, dường như số phận đã cho anh được sống, sống để chứng kiến và kể lại về sự hy sinh anh dũng và sự mất mát của chiến tranh. Nó cũng như một nỗi đau không có gì che lấp được trong tâm hồn người nghệ sĩ Trung Đức.

Có lẽ bởi điều đó nên khi NSND Trung Đức hát những bản tình ca về người lính anh luôn gửi gắm vào đó cả nỗi niềm riêng cho những người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường.

Dễ hiểu vì sao, tên tuổi của NSND Trung Đức lại gắn liền với những tình ca về đồng đội, về chiến trường. Mỗi lần anh hát những khúc ca như: “Chào em cô gái Lam Hồng” (Ánh Dương), “Trên đỉnh Trường Sơn” (Huy Du), “Ta ra trận hôm nay” (Văn An), “Chiếc gậy Trường Sơn” (Phạm Tuyên), “Chào sông Mã anh hùng” (Xuân Giao)… lại nghe âm vang một thời chiến trận dội về làm rung động lòng người. Anh  bảo, khi hát những ca khúc đó, là anh đang hát về một thời tuổi trẻ say mê và nhiệt huyết của mình, của đồng đội mình, cho những người đã nằm xuống và những người trở về sau chiến tranh mà cuộc đời họ, dù ít dù nhiều, vẫn để lại nơi chiến trường một phần thân thể, một phần tâm hồn. Những bài hát này, anh đã từng hát khi đang là một anh lính lái xe tăng xung trận và khi rời quân ngũ trở về dù đã trở thành một NSND đứng trên bục vinh quang với các huy chương vàng trong các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế. Anh vẫn hát và để tâm hồn mình trở về là một người lính bình dị thuở nào. Vị trí của NSND Trung Đức trong làng nhạc Việt đã được khẳng định nhưng ít người biết rằng, để đạt được đến ngày hôm nay, anh đã phải nỗ lực rất nhiều.

Sau những ngày giải ngũ trở về quê, anh cũng bôn ba với đủ nghề để kiếm sống. Số phận đã đưa anh đến với cuộc thi hát ở tỉnh Hà Tây (cũ). Anh đoạt giải nhất với bài “Hà Tây quê lụa” và đã được nhận vào làm việc tại Đoàn Ca múa nhạc Hà Tây. Sau đó, anh thi vào học tại chức tại Nhạc Viện Hà Nội (Nay là Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Dưới sự dìu dắt của các thầy như NSND Quý Dương, NSND Trung Kiên. Anh bắt đầu đi những bước đi căn bản đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình. NSND Trung Đức kể lại, lúc mới vào trường, anh còn nói ngọng, anh hát: “Chào em cô gái Nam Hồng”. Thầy Quý Dương giận lắm vì sửa mãi không được, sau đó thầy mắng Trung Đức: “Anh có giọng hát rất tốt, nhưng giọng hát dù có tốt đến đâu nhưng hát không đúng lời thì còn ai thưởng thức được”. Chính vì  thế, ngoài giờ tập luyện trên lớp cùng thầy, về nhà anh phải tự học, tự uốn nắn giọng hát của mình.

Kể về thời gian ban đầu đến với nghề diễn, NSND Trung Đức luôn nhắc tới người bạn đã gắn bó với anh trong nhiều năm tháng, đó là NSND Thu Hiền. NSND Trung Đức kể lại đã nhiều lần anh và NSND Thu Hiền đi diễn ở những vùng núi phía Bắc xa xôi, tay nải cơm nắm, muối vừng. Hồi đó lên Hà Giang diễn không có sân khấu, đoàn phải diễn trong nhà kho cũ. Nhà kho kín mít mà có cả hàng trăm người đứng xem biểu diễn, mỗi lần hát xong, anh và NSND Thu Hiền phải nhường nhau ra ô cửa sổ nhỏ xíu ở phía sau để… thở. Thậm chí, khi xong chương trình, NSND Thu Hiền suýt bị… xỉu vì mọi người chen đến hỏi chuyện quá lâu mà nhà kho thì không đủ không khí.

Lần khác, anh và NSND Thu Hiền được mời diễn hai “sô” trong một khoảng thời gian ngắn mà địa điểm diễn lại cách xa nhau hàng chục kilômét. Hồi đó, NSND Thu Hiền đi chiếc xe máy Chaly cũ, còn NSND Trung Đức đi xe đạp. Vì chiếc xe không thể tải hai người nên NSND Thu Hiền có sáng kiến buộc dây thừng vào kéo xe đạp của NSND Trung Đức cho anh… đỡ mỏi chân. Không chỉ nổi danh với tư cách là một ca sĩ đã gắn tên tuổi với những bài hát đi cùng năm tháng, NSND Trung Đức còn được biết đến với tư cách là một nhạc sĩ sáng tác với những ca khúc đã đi vào đời sống âm nhạc của lớp trẻ như: “Em đi chùa Hương” (phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp), “Chân quê” (phổ thơ Nguyễn Bính). Đặc biệt, ca khúc “Gọi em” do anh sáng tác dựa trên giai điệu Khan Tây Nguyên đã nhận được Huy chương Vàng Hội diễn ca nhạc toàn quốc năm 1996 tại Cần Thơ.

Tuy số lượng các ca khúc sáng tác không nhiều nhưng hầu hết những bài hát của anh đã sống trong lòng khán giả. Nói về điều này, Trung Đức cho rằng, đó cũng như một mối duyên đối với anh. Khi vào học ở Nhạc viện Hà Nội, anh được học nhạc cổ điển nhưng tốt nghiệp ra trường anh lại về đầu quân cho Nhà hát ca múa nhạc Dân tộc. Anh phải làm quen với một môi trường hoàn toàn mới là hát dân ca. Hồi đó để có bài bản, NSND Trung Đức đã tìm về làng quan họ Bắc Ninh học cách hát dân ca của nghệ nhân Ba Chi. Những giai điệu mượt mà này, sau đó đã được Trung Đức lựa chọn làm chủ đạo cho các sáng tác của mình. Ca khúc đầu tiên “Em đi chùa hương” được anh viết ra rất tự nhiên, người ta đã nhớ đến bài hát của anh mà không vin vào bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp. Bài hát đó cũng nhanh chóng được “truyền khẩu” và nổi tiếng trong giới trẻ. Bây giờ, dù đã ở tuổi xấp xỉ “nghỉ hưu” nhưng NSND Trung Đức cho biết, không có ngày nào anh không luyện hát.

Anh là một người có tính nguyên tắc, kỷ luật cao và không tự cho phép mình “nghỉ ngơi”. Vì với nghề hát, ngừng rèn luyện là tự đóng cánh cửa thành công của mình lại. Khi có thời gian rỗi, NSND Trung Đức thường tìm đến hiệu sách, chọn cho mình một cuốn tiểu thuyết ưng ý để đọc. Anh tự nhận mình là một chàng nghệ sĩ lãng mạn ham mê đọc sách. Đấy cũng là thói quen có từ tuổi ấu thơ. Anh bảo, ca sĩ ngoài sự trải nghiệm, nếu có kiến thức văn hóa, văn học sẽ tự tin hơn trên đôi chân của mình, điều này, thế hệ các ca sĩ trẻ bây giờ ít làm được. Họ mải chạy sô và quên mất rằng, đôi khi, chính sự nhân văn trong những trang sách, trang đời, sẽ tạo cho nghệ sĩ một nền móng vững chắc trong cảm thụ âm nhạc và truyền đạt tới khán giả.

Nhà hát Lớn Hà Nội Nhà hát Lớn Hà Nội

Số 1 phố Tràng Tiền, Ba Đình, Hà Nội, Có khoảng 598 chỗ ngồi.

3502 4120 7622 (c) by
Bình luận, đánh giá, phản hồi ý kiến của bạn.

 

Start Scroller!