//Đêm nhạc “Thu về trên phố”,màn song tấu bùng nổ sân khấu

 Tối 14/9, thu Hà Nội dường như  xao xuyến và lắng sâu hơn trong đêm nhạc “Thu về trên phố” giới thiệu các sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn- Từ Linh và Trịnh Công Sơn. Đã lâu lắm rồi, Hà Nội mới được sống lại với cảm xúc dặt dìu của “Thu đi, cho lá vàng bay, lá rơi, cho đám cưới về…”

  Trong bối cảnh các nhạc sĩ và dư  luận những người yêu nhạc đang bị cuốn sâu vào cuộc tranh luận “nghe và hát nhạc sến có phải bất thường” chưa có hồi kết, thì rất nhiều người Hà Nội chọn đến với “Thu về trên phố” để nghe… nhạc xưa. Để thấy giá trị đích thực của âm nhạc ở chỗ nó đã nuôi nấng và nâng đỡ những giấc mơ tinh thần cho con người thế nào, bất kể tác phẩm ấy thuộc thể loại gì.

  Lâu lắm rồi mới được nghe lại nhạc  Đoàn Chuẩn, trong cái tiết trời dìu dịu của mùa thu Hà Nội, để thấy tiếc làm sao khi cứ mỗi dịp vào thu, lại không có một đêm nhạc của ông để lấy lại cho mảnh đất kinh kỳ những vẻ đẹp quá khứ mà trước kia người nhạc sĩ đã từng nôn nao thốt lên: “Anh mong chờ mùa thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ…”

 

  Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Mỹ Linh, 3 nữ danh ca và nghệ sĩ hạ uy cầm Đoàn Đính- con trai nhạc sĩ  Đoàn Chuẩn, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, cây vĩ cầm Bùi Công Duy đã thực sự đưa khán giả về lại những mùa thu trước. Ánh Tuyết hát rất hay “Vĩnh biệt” hay còn có tên “Bài ca bị xé”- ca khúc có số phận vô cùng đặc biệt vì Đoàn Chuẩn viết tặng nó cho một giai nhân, để rồi nàng cầm lấy mà xé đi, vì không muốn cho ai hát về mối duyên lỡ làng của mình. “Ai đốt Cô Tô thành, vì đôi mắt giai nhân hề, lửa cháy bao đêm ròng, thành quách tan…”  

 

Ca sĩ Ánh Tuyết kể thêm: “Giai nhân Hà thành ấy đã đoạn tuyệt với nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, sau khi phu nhân của nhạc sĩ tìm đến gặp nàng và nói: “Nếu em thương anh nhà chị, thì xin em thương luôn cả 3 đứa con của anh ấy nữa…”. Đó là cách giải quyết một bi kịch tình yêu của những phụ nữ Hà Nội xưa, thâm thúy, nhẹ nhàng mà khiến cho người nhạc sĩ phải viết nên một bài ca nói rằng lòng mình giờ đã tan hoang như thành quách Cô Tô sau một lần bị người phóng hỏa.

 Màn song tấu ấn tượng của Trần Mạnh Tuấn và Bùi Công Duy

Màn song tấu ấn tượng của Trần Mạnh Tuấn và Bùi Công Duy

 

 Nhưng tiết mục xuất sắc và tạo nhiều cảm hứng nhất cho đêm nhạc phải là màn song tấu của Trần Mạnh Tuấn và Bùi Công Duy với một trong những ca khúc hay nhất của Đoàn Chuẩn “Gửi gió cho mây ngàn bay”. Thấy thênh thang trước mắt một khung trời thu cao rộng, mà trong đó, người nghệ sĩ vì yêu cảnh, mến đời khiến lòng dâng lên một khát khao: “Gửi gió cho mây ngàn bay, gửi bướm đa tình về hoa, gửi thêm ánh trăng, màu xanh lá thư, về đây với thu trần gian…”

 

Ôi chao, cái khát khao của con người thật to lớn và kỳ vĩ, muốn làm thay cả phần việc của thiên nhiên, gửi cho cho mây bay, tuồng như thể không có gió ấy thì mây kia ngàn đời nay đang đứng yên vậy. Một ham muốn bay bổng lãng mạn giúp cho người ta những giây phút được tách biệt với cái thực tế thô ráp, xù xì của cõi trần gian. Cả khán phòng nhà hát đã chìm đắm và nổ tung sau phần trình tấu của hai nghệ sĩ tài hoa.  

Nghe lại những ca khúc Trịnh Công Sơn trong đêm thu Hà Nội, càng hiểu thêm vì sao mà những tác phẩm của ông, bao nhiêu năm qua vẫn được người đời hát lên, trong khi vui nhất cũng như khi tuyệt vọng nhất. Đơn giản vì nhạc Trịnh đã nói hộ lòng người, đã sống với đầy đủ cung bậc cảm xúc của đời sống này, như “mưa nắng ở trọ bên trong mắt người”, như “đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn”… Hồng Nhung, trong đêm “Thu về trên phố”, vẫn là người thành công nhất trong hành trình đưa khán giả đến với thế giới nội tâm của nhạc sĩ họ Trịnh, đặc biệt là khi chị cất tiếng hát “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…” bản thu ca của riêng Hà Nội.

 

Hồng Nhung vẫn thành công với ca khúc Trịnh Công Sơn

Hồng Nhung vẫn thành công với ca khúc Trịnh Công Sơn

 

Vẫn thấy như bước chân Trịnh Công Sơn đang lang thang trên phố thu Hà Nội, vẫn thấy như ông ghé vào từng con ngõ nhỏ,  để hít hà mùi hoa sữa trong từng cơn gió, và  hương cốm xanh làm thơm bao bàn tay nhỏ và phố xưa vỉa hè thơm bước chân qua.

 

Mùa thu này, cũng như những mùa thu bao năm gần đây, chim sâm cầm đã không còn về Hồ Tây nữa, như một sự hờn trách sự bạc bẽo của lòng người, đã không dành đất cho loài chim ấy một chỗ trú đông. May mà Hà Nội vẫn còn câu hát của Trịnh Công Sơn, để còn được thấy hình ảnh “bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời” mang theo bao khát khao được hướng tới những gì đẹp đẽ tuyệt vời trên cao xa kia.   Mỗi độ thu về, bên cạnh từng đoàn trẻ con đi chọn quà Trung thu làm tắc cả đường Hàng Mã, bên cạnh những hàng người dài xếp rồng rắn làm tắc cả phố Thụy Khuê chờ mua bánh Trung thu gia truyền, thì Hà Nội rất cần có những đêm nhạc mùa thu như thế này. Để ít ra cũng được một lần tự hỏi lòng mình “thu nay vì đâu nhớ nhiều, thu nay vì đâu tiếc nhiều?” và thốt lên “mùa thu quyến rũ anh rồi”.

Nguồn: baodatviet.vn

Bán Vé Liveshow Đêm Nhạc Cảm Ơn Tình Yêu 12 ngày 14/02/2023 Bán Vé Liveshow Đêm Nhạc Cảm Ơn Tình Yêu 12 ngày 14/02/2023

Bán Vé Liveshow Đêm Nhạc Cảm Ơn Tình Yêu 12 ngày 14/02/2023

Thời gian:

Địa điểm:

Nghệ sĩ:

Giá vé:

116.7027027027 137.2972972973 254 (c) by
Bình luận, đánh giá, phản hồi ý kiến của bạn.

 

Start Scroller!