Liveshow “Những giấc mộng đêm hè” lẽ ra nằm trong loạt chương trình mang thương hiệu của Quốc Trung mang tên “Cầm tay mùa hè”. Nhưng phút chót, đêm nhạc lại được đặt tên riêng và diễn ra một đêm duy nhất. Huấn luyện viên The Voice lý giải, chương trình kén khán giả hơn “Cầm tay mùa hè” rất nhiều.
Nam ca sĩ Hải Bột – rocker một thời của nhóm Microware
Với 3 cái tên, ngoại trừ Tùng Dương là ngôi sao có đảm bảo về chất lượng nghệ thuật cũng như khả năng thu hút người xem thì Hải Bột và Phạm Thu Hà đều là người mới và lạ của showbiz. Hải Bột – rocker là người sáng tác chính một thời của nhóm nhạc rock Microware và sau này được biết đến nhiều hơn khi ra mắt album “Đường về” cùng nhóm nhạc mới Quái Vật Tí Hon. Từ đĩa nhạc này, Hải Bột “bén duyên” Quốc Trung khi anh đứng ra đỡ đầu và đưa Quái Vật Tí Hon lưu diễn rất thành công với RockStorm 2011. Đồng thời “Đường về” còn nhận được đề cử Cống Hiến ở hạng mục album của năm và nhạc sĩ của năm cho Công Hải (tên thật của Hải Bột).
Quái Vật Tí Hon tan rã, Công Hải thoắt ẩn thoắt hiện ngay cả trong giới nhạc underground của anh và nay mới chính thức trở lại. Quốc Trung cho biết, anh đã mất một thời gian để thuyết phục Hải Bột quay trở lại với âm nhạc. “Những giấc mộng đêm hè” là một trong những bước đầu tiên của Hải hòa mình với anh em nghệ sĩ Hà Nội, trước khi bắt tay vào thực hiện album với Quốc Trung dự kiện kéo dài trong 6 tháng.
Màn song ca Tùng Dương – Hải Bột
Hải Bột nắm vai trò mở màn “Những giấc mộng đêm hè”. Quốc Trung không ngớt lời tốt đẹp dành cho Hải và âm nhạc của anh. Vị huấn luyện viên The Voice gọi thế giới âm nhạc của Hải là vừa tỉnh vừa mê. Thế giới đó vừa ngây thơ vừa trải đời, đã được viết thành những khúc đồng dao trong trẻo có, mà mãnh liệt và đau đáu đầy “rock” cũng có. Hải cất giọng lên trong khán phòng, một chất giọng nhừa nhựa không giống ai, đầy nam tính, tự sự và cô đơn… Màn độc thoại mở màn Có một mặt trời và Con gà chỉ có Hải Bột ôm guitar giữa sân khấu tối và Quốc Trung đệm piano. Khi Hải Bột gáy như một con gà “Ò Ó O”…, sân khấu mới thực sự bừng sáng và âm nhạc lấp đầy.
Tiếp theo là một loạt hit do Hải Bột tự sáng tác như Ngày hôm qua, Vì đời , Ông trời cô đơn, Đường về. Khi giải Cống hiến 2011 công bố tên Công Hải, nhiều người không biết đấy là ai, thì nay với những bài hát độc đáo này, khán giả đã nhìn thấy một cá tính âm nhạc, một dấu ấn cá nhân riêng biệt của nam rocker. Hải đứng giữa sân khấu như đứng trong một thế giới của riêng anh, hát những tâm sự đau đáu nhưng được nhìn qua một lăng kính về ngôn ngữ trong trẻo, có phần ngây thơ. Chất dân gian Bắc bộ trong con người Hải Bột được chắt lọc và lắng đọng duyên dáng trong giai điệu và đặc biệt là ca từ : “Chợt nghe bên tai thì thầm: Về thôi ai ơi đường dài. Về nhấc chén say/ đường xa hun hút bụi trần mà lòng người vẫn nghe hun hút đường về” (Đường về); “Có khi trong màn đêm nhìn Ông trăng vui cùng chị Hằng Nga. Đời ông hiu quạnh hay vì sương đêm lạnh giá, Trời cũng cô đơn như mọi người” (Ông trời cô đơn).
Âm nhạc của Hải là Rock, nhưng là một thứ rock không gào thét mà nhiều thông điệp, là lời tự sự của một kẻ cô đơn… Rock của Hải mở màn trong sự yên lặng lắng nghe và những tràng pháo tay xuýt xoa hưởng ứng. Nói như Quốc Trung, Hải Bột là một nghệ sĩ độc lập điển hình, nhưng phải được giới thiệu với người nghe như một giá trị, nếu không nó sẽ chỉ được tỏa sáng trong thế giới riêng và cá tính của Hải.
Họ thể hiện “Tình yêu ở lại” một cách ngọt ngào, hòa quyện
Tùng Dương là một cá tính khác, và anh cũng thừa kinh nghiệm hợp tác với Quốc Trung. Chính Quốc Trung lẽ ra đã là một nhà sản xuất cho Dương ngay từ những buổi đầu lập nghiệp của Dương. Họ trở lại với nhau khi cả hai đều đã có quá nhiều kinh nghiệm với khán giả và quá nhiều sự thông suốt lẫn nhau. Dương vẫn hát Tre xanh ru (song ca với Phạm Thu Hà), Tình yêu ở lại (song ca với Hải Bột), Đồng hồ treo tường, Sen hồng hư không với một diện mạo âm nhạc có chút đổi mới qua bàn tay Quốc Trung. Trước đây, Quốc Trung và Tùng Dương đã ôm ấp nhiều dự định làm một dự án âm nhạc điện tử và newage và nay là một trong những hiện hình của dự định ấy. Dương làm việc với Quốc Trung thì không thể có quá nhiều bung phá ma quái, đôi khi anh phải tiết chế hơn. Nhưng với Quốc Trung, làm việc với Dương anh cũng không cần quá nghiêm khắc mà vẫn có thể cầu toàn ở mức độ cao nhất cho một tiết mục.
Dương giới thiệu hai tác phẩm mới là Độc đạo (Lưu Hà An- đây cũng là tên album mới anh đang thực hiện với Nguyên Lê tại Pháp) và Thể đơn bào (một tác phẩm ấn tượng của nữ tác giả Sa Huỳnh). Hai bài hát đều mang âm hưởng dân gian, khá trúc trắc nhưng tương đối bắt tai khán giả. Có lẽ Tùng Dương đang dần bớt đi sự màu mè ma quái bên ngoài và đi dần vào chiều sâu của tác phẩm âm nhạc. Đây cũng có thể coi là một sự trưởng thành của một giọng hát đang ở độ chín nhất của sự nghiệp.
Đầy bất ngờ, chính là bản cover Thu cạn (Giáng Son) đã được ghi dấu ân với giọng ca Nguyên Thảo. Dương vẫn hát màu sắc blue -jazz (có lẽ để hợp màu sắc với bài hit Cỏ và mưa của riêng anh). Dương hát Thu cạn bốc và kịch tính hơn người thành công trước, tạo ra một màu sắc thưởng thức khác của bài hát rất được yêu thích này.
Giọng ca nữ bán cổ điển Phạm Thu Hà – Luồng gió lạ của đêm diễn
Giọng ca nữ – cũng là bông hồng duy nhất trong số những người thực hiện chương trình là Phạm Thu Hà. Chủ nhân của giải Cống hiến 2012 hạng mục Album của năm đã có một đêm diễn trở lại chào sân khán giả Hà Nội đầy thú vị. Không phải là những bản nhạc cổ điển được hòa âm chillout như trong album thành công năm ngoái, mà những bản nhạc Pop được hòa âm theo phong cách bán cổ điển. Hà mở màn bằng Bài hát ru cho anh (Dương Thụ) rồi tiếp nối bằng một sáng tác của nữ nhạc sĩ Kim Ngọc – Ru anh và Có một chút (Đức Trí)…
Sự liên kết của Phạm Thu Hà với hai giọng nam Tùng Dương và Hải Bột cũng khá rõ, các bài hát đều có chút màu sắc dân gian nhẹ nhàng lãng mạn, như một sự dung hòa giữa hai bên lạnh (Hải Bột) và nóng (Tùng Dương).
Dù Hà xuất hiện chưa nhiều trong các chương trình âm nhạc phổ thông ở Hà Nội (có lẽ là đất của dòng nhạc semi classic chưa nhiều) nhưng trong một chương trình toàn những cá tính âm nhạc như “Những giấc mộng đêm hè”, Phạm Thu Hà đã có những màn trình diễn hết sức tự tin, đặc biệt ở những khúc cao trào vocalize, chuyển giọng thính phòng sở trường. Sự khác biệt của Hà trong rất nhiều nghệ sĩ mới hiện nay chính là sự biến hóa classic crossever (cổ điển giao thoa). Không hề khó nghe mà ngược lại, cách trình diễn ấy còn nâng tầm nhiều tác phẩm nhạc pop. Bất ngờ nhất chính là màn trình diễn bản Harem nổi tiếng của Sarah Brightman của Hà đã làm sôi động cả khán phòng nhà hát.
Màn song ca tác phẩm kinh điển Time to say goodbye với Tùng Dương để kết chương trình cũng ấn tượng không kém. Đứng cạnh Tùng Dương, Phạm Thu Hà và Tùng Dương đã tỏa sáng và nâng nhau lên rất nhiều. Tùng Dương bỗng nhiên chững chạc với lối hát cổ điển còn Hà nhẹ nhõm hơn khi đưa mình vào thế giới của những tác phẩm âm nhạc đại chúng.
Đêm nhạc khép lại cùng sự nuối tiếc của biết bao khán giả
“Những giấc mộng đêm hè” chỉ diễn ra đêm duy nhất sau đó Quốc Trung lại tiếp tục Nam tiến để dàn dựng cho đội hình Giọng Hát Việt trong các tuần liveshow trực tiếp. Quốc Trung thời điểm này không hề lười như cách mọi người trong nghề vẫn nghĩ, mà ngược lại anh làm quá nhiều việc. Giữa những lúc “diễn trò” trên Giọng Hát Việt, anh vẫn dành tâm sức để thực hiện những chương trình mang đầy dấu ấn nghệ thuật cá nhân. Giữa một showbiz bề bộn và đang đuối dần vì sức nặng kinh tế, anh vẫn gồng mình làm nghệ thuật, giới thiệu và nâng đỡ khá nhiều những cá tính và giọng ca tài năng như Tùng Dương, Hải Bột, Phạm Thu Hà…
Quốc Trung thừa nhận anh không thể thắng về kinh tế với những chương trình như “Khởi nguồn”, hay “Những giấc mộng đêm hè” nhưng việc làm nghệ thuật một cách không tính toán của Quốc Trung đáng làm người ta ngạc nhiên và cổ vũ. Khá nhiều khán giả ra về từ khán phòng Nhà hát Lớn đã xuýt xoa và tỏ ra tiếc cho những ai đã không đến xem trực tiếp, và tiếc nữa những chương trình nghệ thuật thế này chỉ diễn ra một đêm rồi chưa biết bao giờ mới tiếp tục được trình diễn.
Nguồn: tacke