//Phú Quang và trải lòng sự sống

Tôi hẹn với Phú Quang vào một buổi sáng mùa đông, tại nhà hàng mà anh mới mở ở 65C, Trần Quốc Toản (Hà Nội), có cái tên nghe khá quen thuộc: New Indochina.

Tôi một ly cà phê “nâu” còn anh thì “đen”, vừa trò chuyện vừa ngắm nhìn một góc nhỏ của Hà Nội đang trôi chầm chậm trong cái se se lạnh rất riêng của mùa đông Hà Nội. Đặc biệt cuốn hút, đặc biệt có hồn. Tôi không hẹn với Phú Quang để làm một cuộc trò chuyện mà chỉ hẹn với anh ngồi uống cà phê, như vậy sẽ tự nhiên hơn.

Sau hơn 20 năm lăn lộn ở đất Sài Gòn, Phú Quang lại quay ra Hà Nội để chiêm nghiệm cái điều mà anh đã từng thổ lộ trong một bài hát của anh “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xót xa, tôi bồi hồi trở về, lấy cho mình  dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen…”.

 

Mua vé Đêm nhạc Liveshow Phú Quang: 0949.373.813 – 0949.373.815

 

http://static.kienthuc.net.vn:81/Images/Contents/thuphuong/20130205/phuquang3.jpg

 

Tôi viết từ chính cuộc đời mình

Phú Quang nheo nheo đôi mắt, ánh mắt có cái nhìn thẳng, chân thành. Anh kể: Ngày vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi  gần như chỉ có 2 bàn tay trắng. Tài sản mang theo bị cuỗm sạch. Lúc đó ở Sài Gòn cũng còn rất nhiều khó khăn. Tôi phải  ở nhờ nhà bạn bè, rồi mãi mới mua được một căn phòng nhỏ.  Nhưng Sài Gòn là mảnh đất năng động, tôi nhận ra một điều khi ta làm hết mình, chơi hết mình và có một chút khả năng ta sẽ có điều mình muốn. Tôi luôn biết ơn Sài Gòn vì những gì mảnh đất này đã dành cho tôi  nhưng như cha ông thường có một câu “Cáo chết 3 năm vẫn quay đầu về núi”, tôi vẫn đau đáu nghĩ rằng đến một lúc nào đó  sẽ quay về Hà Nội và bây giờ  sau 20 năm bạn lại thấy tôi ngồi đây thanh thản trên mảnh đất yêu thương của mình.

Vậy bài hát “Em ơi Hà Nội phố” mà anh sáng tác, lúc anh đang ở Sài Gòn hay ở Hà Nội?

Bài hát đó tôi viết lúc ở Sài Gòn. Viết cho cảm giác ân hận vì mặc cảm lỗi lầm khi rời Hà Nội ra đi. Mặc cảm này đã theo tôi trong suốt năm đầu tiên tôi rời xa Hà Nội. Hà Nội với  những góc phố nhỏ rêu phong, cây bàng khẳng khiu, một quán nhỏ bên đường đều như có một mảnh đời  níu kéo mình.  Nhưng rồi tôi cũng hiểu rằng Sài Gòn cũng là nơi cho tôi tìm được những niềm vui khác.

Cuộc đời nhiều khi cháy lên như ngọn nến 

Vào một tối thứ bẩy (trước cuộc trò chuyện này) vô tình tôi có mặt ở nhà hàng của Phú Quang trên tầng 2, nơi hội ngộ của các ca sĩ và những người yêu âm nhạc, theo đề nghị của một số người bạn, Phú Quang và ca sĩ Tấn Minh đã cùng song ca bài “Ngọn nến”. Những ca từ và những giai điệu thật tuyệt vời. Khán giả không nhiều, nhưng đã  dành những tràng vỗ tay dài nồng nhiệt. Rất nhiều  người, trong đó có tôi, không biết vì sao Phú Quang lại viết như một lời định mệnh về cuộc đời ở bài hát này.

Phú Quang như dừng lại trước câu hỏi của tôi khi triết lý về cuộc đời rồi anh chậm rãi: Đó là vào một đêm Nôen của mấy năm trước. Trước đó vài ngày tôi nhận được tin mình bị ung thư. Và bạn biết đấy, nếu bạn nhận được tin mình bị ung thư thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận được tin về một cái chết được báo trước. Đêm đó tôi ngồi một mình với ly rượu và ngọn nến le lói. Tôi chợt nhận ra một điều, cuộc đời con người có một điều gì đó giống như ngọn nến đang cháy. Mỗi giọt nến rớt xuống chậm rãi cũng là một khoảng đời đã qua và trước giọt nến cuối cùng ngọn nến sáng loà rực rỡ một lần cuối. Và tôi chợt nhớ tới ánh mắt xót xa thương cảm của một người con gái khi biết tin dữ về tôi. Bài hát “Ngọn nến” đã ra đời như thế.

Nhưng cuối cùng thì anh vẫn khoẻ mạnh. Sau hung tin đó, anh cảm thấy thế nào?

Rất may cho tôi, lần đó các bác sĩ đã nhầm lẫn. Sau này, khi mọi chuyện đã qua, tôi chợt có ý nghĩ ngồ ngộ: “Giá như mọi người đều có một lần trong đời bị bác sĩ báo tin mình bị ung thư (tất nhiên là báo nhầm) chắc mọi người sẽ sống hợp lý hơn với cuộc đời, bởi chỉ lúc đó, mọi người mới cảm thấy sự vô nghĩa của tiền bạc, chức quyền, danh vọng, dục vọng… Họ sẽ nhìn cuộc đời một cách nhân hậu hơn, bớt ham muốn hơn.

Thế còn việc anh mở Nhà hàng?

Khi tôi mở nhà hàng nếu tôi nói tôi không cần tiền thì chắc chắn tôi là kẻ nói “xạo”. Tôi không phải là người lập dị và điệu bộ đến độ từ chối cơ hội kiếm được nhiều tiền, nhưng tiền với tôi không phải là mục đích cuối cùng. Tôi chỉ  mong muốn có một chỗ chơi cho mình, cho  âm nhạc, một góc nhỏ để bạn bè có thể gặp gỡ nhau. Còn nếu như vậy mà có thêm được nhiều tiền thì hình như còn tốt nữa, nhất là những đồng tiền kiếm được bằng chính mồ hôi và công sức của mình. Ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ có một câu nói mà tôi rất tâm đắc “Biết đủ là đủ”. Tôi rất thích câu nói ấy.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và Phú Quang xoay quanh nhiều vào cái tâm điểm của  “tiền bạc và hạnh phúc”. Một người như Phú Quang: danh có, tiền có, nhưng anh “biết đủ là đủ”. Không phải ai cũng chiêm nghiệm được điều ấy, nhất là trong cuộc sống mà khát vọng “tiền” lại cháy bỏng như bây giờ.

 

http://baoquangninh.com.vn/dataimages/201202/original/images625631_a.jpeg

 

Người viết ca khúc thì quá nhiều, còn nhạc sĩ thì ít lắm

Phú Quang nói: Trong những ngày tháng bị bệnh, tôi đã đọc sách viết về “Đạt La lạt Ma” của Tây Tạng và thực sự kinh ngạc về cái mà người dân Tây tạng hoàn toàn bình thản đón nhận cái chết,  không hề sợ hãi.  

Với họ thân xác chỉ như một túp  lều mà linh hồn trú tạm trong đó.  Bởi thế khi túp lều mục nát thì linh hồn của họ lại cất cánh bay đi chuẩn bị cho một kiếp đầu thai khác.  

Phú Quang tâm sự, anh có tới hơn 100 cái huy chương vàng mà anh đã từng nhận qua rất nhiều cuộc này, cuộc nọ, nhưng những cái huy chương ấy chỉ như “miếng sắt tây” chẳng an ủi anh được bao nhiêu. Chưa kể đến điều những “miếng sắt tây” ấy lại được phủ nhũ vàng. Anh tâm sự: Giải thưởng lớn nhất đối với người nghệ sĩ đó là những ánh mắt cảm thông và chia sẻ của công chúng.

Những giải thưởng âm nhạc hiện nay theo anh thực sự cái nào là có giá trị?

Tôi có thể là người cực đoan nhưng  khi mà các cuộc thi được tổ chức tràn lan với đủ mọi thành phần giám khảo từ quận, huyện đến mỗi tờ báo, tôi ít tìm thấy giá trị đích thực của các giải thưởng âm nhạc. Tôi trộm nghĩ một giải thưởng có giá trị thì phải có một Ban Giám khảo có giá trị, nhưng chúng ta ít làm được điều này. Đó là còn chưa kể đến đôi khi có những vị Giám khảo không sòng phẳng.

Nhưng anh cũng từng được mời làm thành viên BGK đấy thôi?

Tôi nhận được nhiều lời mời, nhưng sau một lần tham gia tôi nghĩ có lẽ mình cần đắn đo hơn.

Phải chăng do cách nhìn nhận nhiều khi cực đoan mà cho đến nay, anh vẫn chưa  nhận được một sự vinh danh nào,  ví dụ như Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân?

Có một lần, một ông Lãnh đạo Hội Nhạc sĩ  bảo tôi thế này: Phú Quang ơi, tôi thấy cậu cũng xứng đáng đấy, cậu  làm đơn xin giải thưởng Nhà nước đi, tôi giúp cho. Tôi cười. Muốn được vinh danh phải làm đơn. Tại sao lại thế hả anh?  Thực ra từ trong thâm tâm tôi, tôi thường nghĩ tất cả rồi cũng chỉ là hư danh. Nếu có một điều quan trọng thì đó phải là ý nghĩ mình đã làm được cái gì đó cho đời.

Anh là người được  công chúng yêu mến, đón nhận, vậy trong cuộc sống riêng tư, anh có những người bạn thực sự thân thiết không?

Có người nói tìm được một người bạn đồng cảm, chia sẻ có lẽ cũng  khó như tìm được một người tình tri kỷ. Tôi thích một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha đại ý thế này: “Năm tháng qua đi, người quen nhiều thêm, bè bạn thưa dần…”.

Có lần anh từng nói: Trong làng ca nhạc hiện nay, được gọi là nhạc sĩ quả thật không có nhiều? Tại sao anh lại có nhận xét như vậy?

Trong tiếng Việt vẫn hay sử dụng một số từ Hán Việt, bởi vậy người ta chỉ dùng từ Nhạc sĩ cho những Nhà soạn nhạc. Họ có thể viết những tác phẩm nhạc không lời với phần hoà âm, phối khí của chính mình, còn những người viết ca khúc không viết phần đệm được gọi là những tác giả ca khúc. Cũng như những người dạy Phổ thông được gọi là thầy giáo và người ta chỉ gọi là Giáo sư với những người giảng dạy ở Học Viện. Nhưng đó đơn giản chỉ là sự rạch ròi về ngôn từ. Trong cuộc đời tôi, có nhiều Thầy, Cô giáo của trường Phổ thông khiến tôi kính trọng hơn cả những Giáo sự.

Có những chương trình ca nhạc do anh tổ chức, giá vé lên tới 1.000.000 đồng một vé. Phải chăng anh rất tự tin là đã là nhạc Phú Quang thì nhất định phải có công chúng thưởng thức nhạc Phú Quang đích thực?

Đúng. Có chương trình của tôi giá vé tới 1.000.000đ/vé mà nhiều người còn không tìm được vé. Vé chợ đen đắt hơn mấy lần mà cũng không còn để mua. Nhưng có lẽ chương trình ca nhạc của tôi, vé bán được như vậy vì tôi đã trân trọng khán giả hết mình nên khán giả không nỡ khước từ. Sự cổ vũ chân thành của khán giả giải thoát cho tôi khỏi sự áy náy vì giá tiền.

Câu chuyện đang tiếp tục thì có xe của Truyền hình đến để nghe Phú Quang nhận xét về chương trình “Bài hát Việt”. Phú Quang chia tay tôi và nói rất thật: Chỉ nội cái tên chương trình “Bài hát Việt” đã thấy có cái gì đó nhầm lẫn rồi. Vậy các bài hát không có trong chương trình thì là của Lào, Campuchia hay Camơrun chắc? 

Người thẳng tính vẫn thế. Ngay cả khi đang trò chuyện với tôi, nửa chừng, thấy cần phải đứng lên là đứng lên. Tất nhiên, tiền ly cà phê của tôi, tôi trả. Rất sòng phẳng. Nhưng tôi thấy thích như vậy. Thế mới đúng là Phú Quang.

(Theo Dân Trí)

Bán Vé Liveshow Đêm Nhạc Cảm Ơn Tình Yêu 12 ngày 14/02/2023 Bán Vé Liveshow Đêm Nhạc Cảm Ơn Tình Yêu 12 ngày 14/02/2023

Bán Vé Liveshow Đêm Nhạc Cảm Ơn Tình Yêu 12 ngày 14/02/2023

Thời gian:

Địa điểm:

Nghệ sĩ:

Giá vé:

116.7027027027 137.2972972973 254 (c) by
Bình luận, đánh giá, phản hồi ý kiến của bạn.

 

Start Scroller!